Vườn Quốc gia Cát Bà phối hợp với Dự án Bảo tồn Voọc Cát Bà thả loài chim quý, hiếm về với tự nhiên góp phần thực hiện tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
Sáng ngày 13/5/2021, Vườn Quốc gia Cát Bà phối hợp với Dự án bảo tồn Voọc Cát Bà thả một cá thể chim Cao Cát bụng trắng (tên khoa học Anthracoceros albirostris Shaw & Nodder, 1807) là loài chim quý, hiếm, nằm trong danh mục IIB thuộc Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về việc Quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Chim Cao Cát bụng trắng có trọng lượng khoảng 0,6 kg với tình trạng sức khỏe tốt được thả về đúng vùng sinh cảnh sống tự nhiên của chúng.
Chim Cao Cát là
loài chim quý, hiếm được người dân nuôi nhốt trong lồng, khi được nhận thức về
công tác Bảo tồn đa dạng sinh học đối với các loài động vật hoang dã quý, hiếm,
do đó người dân đã tự giác mang Chim đến Vườn Quốc gia Cát Bà để thả về đúng
vùng sinh cảnh sống của chúng, tạo cho chúng có cơ hội sống tốt hơn, có khả
năng nhanh chóng tái hòa nhập đàn và kết đôi từ đó có cơ hội gia tăng số lượng cá
loài lên.
Ngay sau khi tiếp
nhận chim Cao cát bụng trắng còn đang được nuôi nhốt trong lồng, lãnh đạo Vườn
đã chỉ đạo Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế tiếp nhận tiến hành kiểm tra sức
khỏe, khả năng vận động, ăn uống, đồng thời tiến hành nuôi bán hoang dã trong một khoảng thời gian
nhất định để chim phục hồi dần về các tập tính tự nhiên của chúng, trước khi thả
chim về môi trường tự nhiên.
Theo các nhà
khoa học, chim Cao cát bụng trắng là loài thuộc họ Hồng Hoàng (Bucerotidar), chiều dài thân từ 68 cm -
70 cm, bộ lông đen nhạt, bụng và dưới đuôi trắng, mỏ hai tầng vàng nhạt, phần
giữa hai tầng mỏ đen. Sinh
sản từ tháng 1 đến tháng 6, mỗi đợt thường đẻ 1-3 trứng, thức ăn ưa thích của
chim là các loại quả, như: Sung, Si, Đa, Gội ...